Faculty of Civil Engineering


  • Tầng 6, Nhà C12 tầng Trường Đại học Mỏ - Địa chất
  • Số 18, phố Viên, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • (84-4) 37522472
  • khoaxaydung@humg.edu.vn
  • http://ce.humg.edu.vn/

I. Thông tin chung

Khoa Xây dựng từng bước phấn đấu đến năm 2020 trở thành đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có uy tín trong lĩnh vực xây dựng. Trong quá trình phát triển, Khoa Xây dựng đặc biệt chú trọng phát huy các đặc thù, thế mạnh của các đơn vị liên quan trong Trường Đại học Mỏ-Địa chất như Địa chất, Trắc địa, Mỏ và đặc biệt là lĩnh vực Xây dựng công trình ngầm đã có truyền thống từ ngày thành lập để tạo ra các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học có sự khác biệt với các Trường đại học khác cũng tham gia đào tạo các ngành Xây dựng.

Khoa không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo bằng tiếng nước ngoài theo chương trình chất lượng cao với các trường đại học có uy tín trong khu vực và quốc tế; phát triển các ngành và chuyên ngành mới về kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật công trình giao thông, xây dựng hạ tầng cơ sở, vật liệu xây dựng; xây dựng trung tâm Tư vấn, thiết kế, đào tạo, chuyển giao công nghệ liên quan đến lĩnh vực xây dựng.

1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển

Khoa Xây dựng được thành lập ngày 18/1/2010 trên cơ sở nền tảng Bộ môn Xây dựng CTN và Mỏ tách ra từ Khoa Mỏ của Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Đến tháng 12/2010, để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, Nhà trường đã quyết định thành lập hai bộ môn mới trong Khoa, gồm Bộ môn Kỹ thuật Xây dựng, Bộ môn Xây dựng Hạ tầng cơ sở. Bên cạnh 3 bộ môn chuyên môn, Khoa còn quản lý 01 phòng thí nghiệm Xây dựng với nhiều trang thiết bị thí nghiệm hiện đại.

2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong Khoa

Khoa Xây dựng gồm có 3 bộ môn và 1 phòng thí nghiệm:
- Bộ môn Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ;
- Bộ môn Kỹ thuật xây dựng;
- Bộ môn Xây dựng Hạ tầng cơ sở;
- Phòng thí nghiệm Xây dựng.
Tổng số cán bộ viên chức hiện nay của Khoa là 39 người, trong đó có 1 Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ; 1 Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 1 Giảng viên cao cấp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 1 Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 11 Tiến sĩ (Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Thái Lan); 15 Nghiên cứu sinh, thạc sĩ đang học tập tại nước ngoài (Pháp, Đức, Nga, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc) và 1 NCS trong nước; 7 Thạc sĩ; 2 Kĩ sư; 2 Cử nhân.

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được

Nhiệm vụ chính của Khoa là đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Khoa đang triển khai đào tạo tại hầu hết các bậc đào tạo từ Cao đẳng, Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh về lĩnh vực Xây dựng. Các chuyên ngành đào tạo hiện nay của Khoa gồm:

- Kỹ sư: Xây dựng Công trình Ngầm và Mỏ, Xây dựng Công trình Ngầm, Xây dựng Mỏ, Xây dựng Hạ tầng cơ sở, Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp;
- Cử nhân cao đẳng: Xây dựng Công trình Ngầm và Mỏ, Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Xây dựng Hạ tầng cơ sở
- Thạc sĩ: Kỹ thuật xây dựng công trình ngầm;
- Tiến sĩ: Kỹ thuật xây dựng công trình ngầm.
Đến tháng 7/2017, Khoa Xây dựng đã đào tạo khoảng 3300 kỹ sư, 280 cử nhân, 405 thạc sĩ và 8 tiến sĩ.
Trong những năm gần đây, hàng năm Khoa Xây dựng đón nhận hơn 400 sinh viên hệ Đại học, Cao đẳng và Liên thông. Ngoài ra, Khoa Xây dựng cũng là một địa chỉ tin cậy trong đào tạo sau đại học. Chất lượng đào tạo của Khoa Xây dựng được đảm bảo bằng đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn sâu. Hầu hết các cán bộ giảng dạy của Khoa được đào tạo trình độ sau đại học tại các nước có nền khoa học tiên tiến. Các cán bộ giảng dạy trong Khoa đã biên soạn 15 sách và giáo trình cấp nhà xuất bản, hàng chục giáo trình, bài giảng cấp trường phục vụ đào tạo đại học và sau đại học.
Bên cạnh việc chú trọng tới phát triển công tác đào tạo, tập thể cán bộ viên chức Khoa Xây dựng rất quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế. Cán bộ giảng dạy của Khoa đã thực hiện nhiều đề tài NCKH các cấp và các đề tài NCKH phục vụ sản xuất. Các kết quả nghiên cứu của cán bộ viên chức trong Khoa đã được công bố trong 25 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, hàng trăm bài báo đăng tải trên các tạp chí trong nước, tuyển tập Hội nghị quốc tế và trong nước.
Để hỗ trợ cho hoạt động đào tạo và NCKH, Khoa đã chú trọng đầu tư tăng cường cơ sở vật chất như trang bị máy tính cho tất cả cán bộ viên chức trong Khoa, đầu tư một số phần mềm tính toán thông qua các dự án hay đề tài nghiên cứu (FLAC2D, UDEC, …), tiếp nhận gói phần mềm của hãng Rocscience và Matlab tài trợ bởi GS. Nguyễn Thái Đức đến từ Đại học Old Dominion (Mỹ). Đặc biệt, trong vòng 5 năm gần đây, phòng thí nghiệm Xây dựng của Khoa đã hai lần được đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu bằng gói thiết bị thí nghiệm có trị giá 500 triệu đồng (năm 2010) và 10 tỷ đồng (năm 2015) từ nguồn vốn ngân sách. Các trang thiết bị thí nghiệm hiện đại hầu hết đều có nguồn gốc xuất sứ từ các nước G7 cho phép đáp ứng tốt các nhu cầu thí nghiệm phục vụ đào tạo đặc biệt là đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học.
Xác định chất lượng cán bộ là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của đơn vị trong tương lai, kể từ ngày thành lập đến nay, Khoa Xây dựng đã cử 22 cán bộ đi đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ tại các nước như Pháp, Đức, Nga, Hà Lan, New Zealand, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc.
4. Mục tiêu và Định hướng phát triển
Để đáp ứng mục tiêu là từng bước xây dựng trường Đại học Mỏ-Địa chất nói chung và Khoa Xây dựng nói riêng trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao mang tầm khu vực, cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ trong các lĩnh vực xây dựng hướng tới thực hiện mục tiêu Tự chủ - Đổi mới - Chất lượng cao mà Nhà trường đã đề ra, Khoa Xây dựng xác định các mục tiêu cần phấn đấu, cụ thể là:
• Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trong đó tập trung vào: Hoàn thiện chương trình đào tạo của các bộ môn trong Khoa; Phát triển đào tạo phối hợp với các cơ sở đào tạo nước ngoài, đặc biệt là công tác đào tạo sau đại học và chương trình đào tạo chất lượng cao; Mở rộng các điểm đào tạo ở các khu vực khác; Đẩy mạnh đào tạo sau đại học bao gồm cao học và đặc biệt là đào tạo NCS; Mở thêm các chương trình đào tạo sau đại học cho các chuyên ngành mới trong Khoa nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội; Tăng cường cơ sở vật chất cho công tác đào tạo; Đẩy mạnh hơn nữa công tác biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo phục vụ cho dạy và học theo chương trình mới;
• Tăng cường năng lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ viên chức trong Khoa. Trong đó ưu tiên phát triển các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, gắn chặt nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo NCS. Xây dựng các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ như Trung tâm hoặc các nhóm nghiên cứu mạnh; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác NCKH, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm khoa học công nghệ của Khoa; Tiếp tục khuyến khích cán bộ tham gia hội nghị khoa học quốc tế và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế;
• Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm; Phát huy hiệu quả cơ sở vật chất hiện có đặc biệt là phòng thí nghiệm theo hướng xin cấp giấy phép hoạt động của phòng thí nghiệm. Trên cơ sở khai thác trang thiết bị để đóng góp cho Nhà trường và một phần đáp ứng nhu cầu đầu tư bổ sung mới các trang thiết bị phục vụ đào tạo, NCKH và nâng cao đời sống cán bộ viên chức trong Khoa phù hợp với cơ chế tự chủ của Nhà trường;
• Tiếp tục chiến lược đào tạo cán bộ giảng dạy ở trình độ tiến sĩ, ưu tiên đào tạo tại các nước có nền giáo dục và khoa học phát triển, phấn đấu đến năm 2020, có từ 85 - 100% cán bộ giảng dạy có trình độ đào tạo tiến sĩ;
• Làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, giới thiệu các hoạt động của Khoa, sinh viên, cựu sinh viên, … Duy trì trang web của Khoa với chất lượng cao. Quảng bá mạnh mẽ các kết quả NCKH, hợp tác quốc tế của cán bộ, sinh viên trên Internet và trên các Tạp chí, Hội nghị khoa học.

5. Khen thưởng

Với các thành tích đã đạt được trong thời gian qua, Khoa Xây dựng đã được tặng thưởng nhiều Giấy khen các cấp. Bộ môn Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ và nhiều cá nhân đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ môn Xây dựng Công trình ngầm và Mỏ đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 vào năm 2009.

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second