Faculty of InformationTechnology


  • Tầng 7 nhà C12 tầng khu A Trường ĐH Mỏ - Địa chất
  • Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Số 18 Phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • (84-24) 3838-7570
  • congnghethongtin@humg.edu.vn
  • http://it.humg.edu.vn

1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển

Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Mỏ Địa chất được thành lập ngày 7 tháng 11 năm 2002 theo quyết định số 4249/QĐ.BGD&ĐT ký ngày 18 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở phát triển từ Trung tâm Máy tính, Trung tâm Công nghệ Thông tin và Trung tâm Đào tạo Nghiên cứu Tin học Địa chất.

Khoa Công nghệ Thông tin có 7 bộ môn và 1 phòng thí nghiệm gồm: Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính, Tin học trắc địa, Tin học địa chất, Tin học mỏ, Tin học kinh tế, Tin học cơ bản và Phòng thí nghiệm địa tin học. Khoa đã và đang đào tạo các chuyên ngành về công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, mạng máy tính, khoa học máy tính ứng dụng và tin học ứng dụng trong lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Trắc địa, Kinh tế tài chính ngân hàng.

2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị

Khoa hiện có 69 cán bộ trong biên chế và hợp đồng dài hạn của Nhà trường, trong đó có 31 Đảng viên; 61 cán bộ giảng dạy, 10 cán bộ phục vụ giảng dạy, 3 cán bộ hành chính văn phòng. Trong số 56 cán bộ giảng dạy có 1 Giáo sư, 1 Phó Giáo sư Tiến sĩ, 10 Tiến sĩ, 31 Thạc sĩ, 11 NCS trong và ngoài nước.

Cho đến nay Khoa đã có trên 2500 cựu sinh viên thuộc 10 khóa đào tạo đã ra trường, hiện tại số sinh viên đang đào tạo là trên 1500 sinh viên hệ đại học và cao đẳng. Các sinh viên ra trường đều được thị trường lao động chấp nhận, có được việc làm phù hợp và đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của đất nước. Khoa thường xuyên quan tâm cải tiến công tác đào tạo và áp dụng triệt để chương trình giáo dục theo chiều sâu nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Khoa Công nghệ Thông tin là một trong những Khoa đi đầu cả nước trong việc đào tạo các kỹ sư Tin học ứng dụng trong các ngành khoa học về trái đất. Nhiều cán bộ của Khoa đã và đang tham gia đào tạo sau đại học, hướng dẫn nghiên cứu sinh cho các đơn vị trong và ngoài Trường.

Chi bộ hiện có 31 đảng viên, Công đoàn Khoa có 8 tổ công đoàn trực thuộc. Liên chi đoàn khoa Công nghệ Thông tin gồm Chi đoàn cán bộ và 33 chi đoàn sinh viên. Hội sinh viên Khoa hoạt động trong tổ chức Hội sinh viên của Trường.

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được

Hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được Khoa coi trọng và phát triển. Kể từ khi thành lập, các cán bộ của Khoa đã chủ trì và tham gia 4 đề tài cấp Nhà nước, 24 đề tài cấp Bộ và 72 đề tài cấp Trường, 1 đề tài cấp Tỉnh trong đó đặc biệt chú trọng công tác Nghiên cứu khoa học gắn với Lao động sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Cán bộ của Khoa cũng đã tham gia 3 đề tài hợp tác với đồng nghiệp các nước Nhật, Thụy Sĩ, 2 đề tài hợp tác với các trường Đại học của Nhật. Hoạt động khoa học và công nghệ của Khoa tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ ứng dụng cho các ngành Mỏ, Địa chất, Trắc địa, Kinh tế và xây dựng các phần mềm quản lý cho Nhà trường, cho các doanh nghiệp. Các cán bộ trong Khoa đã có 9 bài báo Quốc tế, 50 bài báo trong nước, có 27 báo cáo tại các Hội nghị khoa học Quốc tế và 62 báo cáo tại các Hội nghị khoa học trong nước. Khoa cũng đã đồng chủ trì 4 Hội thảo khoa học Quốc tế. Hiện tại Khoa đã có 25 đầu sách và giáo trình được xuất bản.

Khoa và một số cán bộ giảng dạy trong Khoa đã có những hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với một số Trường đại học trên thế giới như: Đại học thành phố Osaka, Đại học Kyoto, Đại học Nagoya, Viên nghiên cứu Nhân loại và Thiên nhên của Nhật, Đại học Milano của Italia, Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật nam Thụy Sĩ, Đại học Twente của Hà Lan, Đại học Dupage của Mỹ, trường Genetic của Singapo…

Cùng với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa cũng đã phát triển các phương tiện thực hành, thực tập đầy đủ cho sinh viên. Hiện nay, Khoa đang có: 5 phòng thực hành máy tính, mỗi phòng 30 máy; 1 phòng Thu nhận và xử lý số liệu với 5 máy định vị vệ tinh GPS Trimble R3, 3 máy toàn đạc điện tử Leica, máy thủy chuẩn, máy đo sâu, máy in A0; 1 phòng thực hành Tin học mỏ với máy tính và các phần mềm ToPo, HsMo, Surpac, Ventsim, AutoCAD...; 1 phòng Viễn thám và GIS với 10 máy tính cấu hình cao và các phần mềm ArcGIS, MapInfo, WebGIS…; 1 phòng thực hành Đo ảnh với 5 trạm ảnh số theo công nghệ của hãng Intergraph, Racurs, Bentley.

4. Mục tiêu và định hướng phát triển

Trước quy mô tuyển sinh của khoa ngày càng tăng và nhu cầu của thị trường lao động công nghệ thông tin, khoa đặt ra mục tiêu trong những năm tới là nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và tin học ứng dụng để đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó sẽ tăng cường lực lượng cán bộ giảng giạy chất lượng cao như Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ; tăng cường hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để triển khai các chương trình đào tạo, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và xuất bản giáo trình bài giảng. Ngoài ra khoa cũng đang mở các chương trình đào tạo sau đại học về Địa tin học, về Công nghệ thông tin và mở rộng quy mô đào tạo ra các địa phương ở cơ sở Quảng Ninh, Vũng Tàu.

5. Khen thưởng

Nhiều năm liền, Khoa đã được tặng các danh hiệu cao quý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Nhà trường. Nhiều cán bộ trong Khoa được trao tặng Huân chương lao động của Nhà nước. Với lực lượng cán bộ, công chức đầy tiềm năng và đội ngũ sinh viên ham học hỏi cùng với sự đoàn kết nhất trí trong toàn Khoa, trong thời gian tới Khoa Công nghệ Thông tin sẽ có nhiều hoạt động thiết thực góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second