Faculty of General Education


  • Phòng 11.03, Tầng 11 nhà C12 khu A Trường ĐH Mỏ - Địa chất
  • Số 18, phố Viên, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  • 024.38387564
  • khoahoccoban@humg.edu.vn
  • http://gen.humg.edu.vn/

1.Giới thiệu chung về lịch sử phát triển

Năm 1966, cả đất nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đế quốc Mỹ đang ném bom phá hoại miền Bắc, đất nước vô cùng gian nan. Nhưng với tinh thần vừa chiến đấu vừa sản xuất, Đảng và nhà nước vẫn quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn chất lượng cao. Nhằm đào tạo cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực Mỏ - Địa chất chất lượng cao phục vụ cho đất nước. Ngày 08 - 08 - 1966 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên cơ sở tách Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cùng với sự ra đời của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, ban Cơ bản - tiền thân của khoa Khoa học Cơ bản ngày nay được thành lập do KS.NGƯT Lê Văn Hiện làm Trưởng ban.

Trong những ngày đầu tiên, ban Cơ bản chỉ có 25 cán bộ từ các bộ môn cơ bản của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chuyển sang. Trong thời kỳ này, khoa Khoa học cơ bản cùng nhà trường sơ tán ở huyện Thuận Thành, Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Để tăng cường cán bộ đáp ứng nhu cầu đào tạo của nhà trường, Khoa đã tuyển những cán bộ tốt nghiệp từ các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ và giữ lại một số sinh viên xuất sắc của các khóa 7, 8, 9 đưa đi đào tạo tại các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ.

 Năm 1972, Khoa chuyển lên Sông Công (Thái Nguyên). Năm 1974, cùng toàn thể Nhà trường, Khoa cơ bản chuyển lên Phổ Yên, Bắc Thái (Thái Nguyên ngày nay). Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ban Cơ bản vẫn luôn đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ do nhà trường giao cho. Trong thời gian này nhiều công trình khoa học của các thầy trong khoa đã được thực hiện. Các công trình khoa học đó đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Năm 1982, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chuyển về Từ Liêm, Hà Nội. Cùng với Nhà trường, Khoa Cơ bản đã chuyển về Hà Nội.

Trong những năm 80, Khoa Cơ bản có thêm nhiệm vụ đào tạo dự bị Đại học, tạo nguồn cho ngành Mỏ - Địa chất. Để phù hợp với nhiệm vụ mới, năm 1981 Khoa đổi tên thành Khoa Dự bị Đại học.

Năm 1989, chương trình đào tạo dự bị Đại học chấm dứt, Khoa đổi tên thành Khoa Khoa học cơ bản.

Năm 1990, chương trình đào tạo chia làm hai giai đoạn: Đại cương và chuyên ngành. Khoa Cơ bản chịu trách nhiệm quản lý sinh viên giai đoạn Đại cương. Vì thế, năm 1990 khoa Khoa học Cơ bản đổi thành khoa Đại học Đại cương.

Đến năm 1998 chương trình đào tạo Đại học không chia thành hai giai đoạn nữa, việc quản lý sinh viên đưa về cho các khoa chuyên môn. Để phù hợp với nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường cũng như để thuận lợi trong việc liên kết đào tạo nghiên cứu với cơ sở đào tạo, nghiên cứu, sản xuất bên ngoài. Năm 2015, Khoa đã đề nghị Nhà trường đổi tên khoa Đại học Đại cương thành khoa Khoa học Cơ bản. Tháng 10 năm 2015, Nhà trường đã quyết định đổi tên khoa Đại học Đại cương thành khoa Khoa học Cơ bản.

Trong những năm vừa qua, khoa Khoa học Cơ bản ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đội ngũ Cán bộ giảng dạy được bổ sung một cách hợp lý phù hợp với yêu cầu đào tạo của Nhà trường. Khoa đã tạo điều kiện thuận lợi để các cán bộ trẻ có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, các cán bộ giảng dạy lâu năm luôn chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ. Đồng thời, các cán bộ giảng dạy trẻ cũng đã chứng tỏ nhiều năng lực trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhiều cán bộ trong Khoa tích cực học tập, nghiên cứu và đã nhận được học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ. Các công trình khoa học của các cán bộ trong Khoa cũng tăng lên không ngừng.

Trong 50 năm xây dựng và phát triển của khoa Khoa học Cơ bản được thể hiện ở những nét chính sau đây:

2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị

Từ lúc có 25 cán bộ giảng dạy và cán bộ công nhân viên, đến nay Khoa Khoa học Cơ bản đã có 101 cán bộ giảng dạy và cán bộ công nhân viên. Trong đó có 02 PGS.TS. Các cán bộ trong khoa Khoa học cơ bản đều có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đảm đương được mọi nhiệm vụ do nhà trường giao cho.

Hiện nay Khoa có 07 bộ môn: Toán, Vật lý, Hoá học, Cơ lý thuyết, Hình họa và Vẽ kỹ thuật, Ngoại ngữ và Giáo dục thể chất.

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được.

Với đặc thù của khoa Khoa học cơ bản, các Bộ môn trong Khoa giảng dạy hầu hết cho sinh viên toàn trường. Do khoa Khoa học cơ bản ở trong trường Đại học kỹ thuật nên việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có những khó khăn nhất định. Nhưng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ trong Khoa cộng với sự định hướng đúng đắn của Khoa và các bộ môn nên các cán bộ trong Khoa có rất nhiều thành tích trong giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học.

Về công tác đào tạo

  • Cùng với Nhà trường đào tạo trên 50.000 kỹ sư các ngành Khai thác mỏ, Cơ điện, Dầu khí, Xây dựng, Địa chất, Trắc địa, Kinh tế, Công nghệ Thông tin ...
  • Ngoài công tác giảng dạy cho sinh viên, Khoa còn tham gia giảng dạy đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ cho Trường Đại học Mỏ - Địa chất và các cơ sở đào tạo ngoài trường.
  • Thường xuyên quan tâm đến công tác đổi mới phương pháp giảng dạy.

Về công tác Nghiên cứu khoa học - Phục vụ sản xuất

  • Đã thực hiện thành công 11 đề tài cấp Nhà nước, 29 đề tài cấp Bộ và nhiều đề tài cấp Cơ sở.
  • Đã công bố hàng trăm công trình khoa học ở các tạp chí chuyên ngành có uy tín ở trong và ngoài nước như Đức, Tiệp Khắc, Rumani, Nhật Bản,…
  • Công tác biên soạn giáo trình cũng đã chú ý đúng mức. Các thầy trong Khoa đã cho xuất bản trên 40 giáo trình, bài giảng. Đến nay, 100% các môn học thuộc khoa Khoa học Cơ bản đã có giáo trình và bài giảng chuẩn.

4. Mục tiêu và phương hướng giai đoạn tới

  • Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy.
  • Tăng cường công tác biên soạn bài giảng, giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo Đại học theo tín chỉ.
  • Phối hợp với các khoa chuyên môn và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu bên ngoài để cùng đào tạo cao học, NCS và tìm kiếm đề tài cùng nghiên cứu.
  • Khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho cán bộ đi học tập, nghiên cứu nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

5. Khen thưởng

  • Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 1996.
  • Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen nhiều lần.
  • 03 cán bộ giảng dạy được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
  • Các tập thể bộ môn được tặng Bằng khen nhiều lần.
  • Bộ môn Hoá học được tặng: Huân chương lao động hạng III.
You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second