Kế hoạch 5 năm tới:
1. Tham gia đào tạo các cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ thuộc các chuyên ngành Địa chất khu vực, Địa chất biển, Cấu trúc - Kiến tạo, Cổ sinh-Địa sử, Địa hoá, Thạch học, Khoáng sản, Tìm kiếm - Thăm dò, Địa chất Công trình - Địa kỹ thuật, Địa chất Thuỷ văn, Địa chất mỏ, Địa chất Môi trường, Nguyên liệu khoáng.
2. Mở thêm các ngành học mới như Địa kỹ thuật xây dựng, Địa chất học.
3. Xây dựng và triển khai thực hiện các đề tài, hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ ở tất cả các cấp Quốc tế, trường, tỉnh, bộ, nhà nước, quốc tế thuộc các lĩnh vực điều tra địa chất, đánh giá tài nguyên thiên nhiên, xây dựng công trình, phòng chống tai biến tự nhiên, bảo vệ môi trường, và quy hoạch và phát triển bền vững.
4. Hợp tác với các cơ quan chính phủ trung ương và địa phương, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các đơn vị sản xuất, và các nhà khoa học trong nước và quốc tế với mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu để đáp ứng các yêu cầu thực tế mới của đất nước cũng như hòa nhập với xu thế toàn cầu hóa trong nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực của địa chất học, đánh giá tài nguyên thiên nhiên, xây dựng công trình, phòng chống tai biến tự nhiên, bảo vệ môi trường, và quy hoạch và phát triển bền vững.
1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển và những dấu mốc quan trọng của đơn vị:
Năm 1956, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được thành lập, Bộ môn Địa chất là một bộ phận của Khoa Mỏ - Luyện Kim, sau này phát triển thành Khoa Mỏ - Địa chất. Năm 1966, Nhà nước thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất, các chuyên ngành của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất được thành lập ở hai khoa: Khoa Địa chất thăm dò và Khoa Địa chất công trình. Năm 1977, Khoa Địa chất được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai khoa trên, đến năm 2015 khoa Địa chất đổi tên thành Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất.
Như vậy, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất đã được thành lập gần 40 năm nhưng đã có bề dày lịch sử xây dựng và phát triển 60 năm. Cho đến nay Khoa đã phát triển mạnh mẽ, bao gồm 8 bộ môn chuyên môn: Địa chất, Khoáng thạch và Địa hóa, Khoáng sản, Tìm kiếm - Thăm dò, Địa chất thủy văn, Địa chất công trình, Nguyên liệu khoáng và Địa chất biển. Hiện nay Khoa là địa chỉ uy tín trong hoạt động đào tạo ngành kỹ thuật địa chất, nghiên cứu khoa học và ứng dụng sản xuất trong nước và trên quốc tế. Khoa đã trực tiếp đào tạo hàng nghìn kỹ sư và các nhà khoa học đang công tác tại nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp mọi miền tổ quốc. Trong số đó có nhiều cán bộ đã trở thành những nhà khoa học hàng đầu, những nhà quản lý ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp khác nhau ở các công ty, các địa phương và Trung ương. Các cán bộ và giảng viên của Khoa cũng tích cực xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học ở nhiều cấp khác nhau, từ các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, hợp tác quốc tế đến các hợp đồng triển khai công nghệ. Khoa cũng là đơn vị đi đầu trong hợp tác và công trình khoa học có uy tín quốc tế.
2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị:
Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất hiện có 08 bộ môn chuyên môn, 01 bảo tàng Địa Chất:
Các bộ môn hiện có 09 phòng thí nghiệm với nhiều modul khác nhau, trong đó có nhiều phòng thí nghiệm được trang bị những thiết bị hiện đại, tương đương với nhiều thiết bị hiện đại ở các phòng thì nghiệm trên thế giới và khu vực hiện tại.
Tổng số cán bộ của Khoa hiện nay là 90 người, trong đó có 78 cán bộ giảng dạy gồm 07 nhà giáo ưu tú, 13 phó giáo sư, 18 giảng viên chính. Số cán bộ có trình độ trên đại học: 28 tiến sỹ, 46 thạc sỹ. Hiện nay Khoa có nhiều cán bộ được đào tạo từ Liên Xô (cũ), Đức, Anh, Úc,Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Trung Quốc…
3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được:
Về công tác đào tạo
Mục tiêu: Đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực của khoa học địa chất ở các bậc đại học (chính quy và hệ vừa học vừa làm, cao đẳng), sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ).
Nhiệm vụ: Giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, hợp tác quốc tế.
Các chuyên ngành đào tạo đại học: Địa chất, Tìm kiếm và Thăm dò khoáng sản, Khoáng sản, Thạch học và Địa hóa, Địa chất công trình-Địa kỹ thuật, Địa chất thủy văn-Địa chất công trình, Nguyên liệu khoáng và Địa chất biển.
Các chuyên ngành đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ: Địa chất học; Khoáng vật học và địa hóa học; Địa chất khoáng sản và thăm dò; Địa chất thủy văn; Địa chất công trình – Địa kỹ thuật.
Hàng năm, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất quản lý khoảng 1700 sinh viên đại học, cao đẳng và trung bình 80 học viên, 25 NCS.
Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ
Nhiệm vụ:
Xây dựng và triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Nhà nước, Bộ, Ngành, Tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất.
Hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và NCS tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, phục vụ sản xuất.
Các hướng nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ:
Đo vẽ lập bản đồ địa chất-khoáng sản; Nghiên cứu cấu trúc và tiến hóa kiến tạo của bồn trũng và tiềm năng tài nguyên địa chất; Ứng dụng ảnh viễn thám trong nghiên cứu địa chất khu vực, quản lý tài nguyên, môi trường…; Nghiên cứu địa chất khu vực phục vụ quy hoạch, khai thác hợp lý lãnh thổ thuộc các lĩnh vực xây dựng, thủy lợi, thủy điện, giao thông, quốc phòng...; Cổ sinh vật – địa tầng học và tiến hóa kiến tạo khu vực và thế giới; Định tuổi các sự kiện địa chất bằng các phương pháp nghiên cứu hiện đại; Nghiên cứu địa mạo – tân kiến tạo; Tìm kiếm - thăm dò các mỏ khoáng sản ẩn, khoáng sản biển; Khảo sát xác định quy luật sinh thành và phân bố các loại khoáng sản trong vỏ Trái đất; Đánh giá trữ lượng, chất lượng và triển vọng khai thác các mỏ khoáng sản; Nghiên cứu đánh giá chất lượng nhiên liệu khoáng sản, định hướng công nghệ chế biến sử dụng; Địa chất khoáng sản biển; Khảo sát, thiết kế, thi công xử lý nền móng các dạng công trình xây dựng; Mối quan hệ và vai trò địa chất đối với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Tai biến Địa chất, môi trường và các vấn đề môi trường Địa chất, Địa chất thủy văn, Địa chất công trình…; Quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý tài nguyên nước; Cấp nước và xử lý nước cấp; Phát triển trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ cao; Tìm kiếm, thăm dò, đánh giá trữ lượng nước dưới đất, Thoát nước công trình ngầm và mỏ; Xử lý ô nhiễm môi trường nước, đất...
Một số kết quả
Hầu hết cán bộ của Khoa đều tham gia tích cực và có hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ ở các cấp. Nhiều cán bộ đã chủ trì và thực hiện những đề tài có giá trị khoa học, giá trị thực tiễn cao, nhiều công trình, bài báo khoa học đã được công bố trên những Tạp chí có uy tín trong nước và Quốc tế và đã nhận được những giải thưởng khoa học có giá trị. Khoa cũng là đơn vị đi đầu và có uy tín trong công tác xuất bản khoa trên các tạp chí trong nước và quốc tế, hàng năm các cán bộ của Khoa đã xuất bản 3-4 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học được xếp hạng SCI/ISI.
Hợp tác trong nước
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất cũng đã thiết lập được quan hệ hợp tác chặt chẽ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật với nhiều trường đại học, cơ quan nghiên cứu, các bộ ngành, các công ty và nhiều đối tác khác trong nước. Mối quan hệ hợp tác quốc tế của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất cũng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp và đang ngày càng được củng cố và phát triển. Hiện nay Khoa đang có quan hệ hợp tác với hơn 50 đơn vị Nghiên cứu và Sản xuất trên cả nước.
Hợp tác quốc tế:
Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất hiện nay có quan hệ quốc tế với nhiều trường, viện khoa học trên thế giới như Anh, Australia, Ba Lan, Canada, CHLB Đức, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Điển, Áo, Trung Quốc,.. Hàng năm Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất tổ chức trao đổi học thuật, hợp tác, trao đổi học thuật sinh viên với trường như ĐH Địa chất Bắc Kinh, Trung Quốc; Đại học Miami (Mỹ), Đại học Kiel và Hamburg (Đức)...
4. Mục tiêu và định hướng phát triển:
Trong thời gian tới, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất sẽ tiếp tục phấn đấu không ngừng với phương châm “đổi mới - chất lượng - hội nhập”. Muốn đạt được mục tiêu này, một số hướng ưu tiên mà Khoa đã xác định như các ưu tiên hàng đầu như sau:
Phối hợp chặt chẽ với Nhà trường, các Phòng Ban chức năng thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết và đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đào tạo: Nghiên cứu phát triển đa dạng hóa chuyên sâu đào tạo, quy mô đào tạo phù hợp với thực tế; Rà soát, hoàn chỉnh toàn bộ chương trình đào tạo đại học và sau đại học, hoàn chỉnh đề cương môn học, giáo trình, bài giảng; nâng cao chất lượng bài giảng và tang cường giảng dạy lý thuyết phối hợp với kiến thức thực tế thông qua các hình thức như thực tập trong phòng, ngoài trời, tiếp cận với các đơn vị sản xuất;
Đội ngũ cán bộ: Xây dựng đội ngũ nhà giáo có năng lực và trình độ chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, giàu kinh nghiệm thực tế; Tăng cường các công trình nghiên cứu và xuất bản có chất lượng quốc tế và khu vực, có khả năng ứng dụng thực tiễn cao đáp ứng nhu cầu người học và xã hội.
Nghiên cứu khoa học: Đẩy mạnh việc đăng ký, triển khai các đề tài NCKH cấp Cơ sở, cấp Bộ, các đề tài NCKH cơ bản và cấp Nhà nước. Đẩy mạnh các hợp tác nghiên cứu ứng dụng sản xuất với các đơn vị trong và ngoài nước. Hoàn thành các Dự án, Đề án đang thực hiện để có chất lượng đảm bảo, có tính thực tiễn và hoàn thành đúng thời hạn. Động viên, khuyến khích cán bộ tham gia viết bài cho các tạp chí và các HNKH chuyên ngành trong và ngoài nước có chất lượng và có uy tín.
Quan hệ quốc tế và Doanh nghiệp: Tăng cường mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; mở rộng các liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ, với các đơn vị quốc tế và các đơn vị sản xuất trong nước. Kết hợp với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất ngoài trường trong phát triển giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng sản xuất.
Công tác xuất bản Sách, Giáo trình, Bài giảng: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất bản các giáo trình bài giảng có chất lượng đáp ứng nhu cầu người học. Tăng cường lượng giáo trình tham khảo từ các nguồn xuất bản trong nước và quốc tế đảm bảo tất cả các môn học luôn có giáo trình, bài giảng và tài liệu tham khảo có chất lượng và hiện đại.
5. Khen thưởng:
Tập thể khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất đã được khen thưởng: 1 Huân chương Lao động Hạng III; Nhiều bằng khen cấp Bộ giáo dục và Đào tạo; Giấy khen của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Tập thể lao động xuất sắc.