1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển
Khoa Dầu khí, Trường Đại học Mỏ - Địa chất được thành lập theo quyết định số 1429 ngày 24 tháng 10 năm 1977 của Hiệu trưởng, trên cơ sở tách từ Khoa Địa chất Thăm dò và Địa chất Công trình, với 3 bộ môn: Địa vật lý, Khoan - Khai thác và Địa chất Dầu khí. Để đáp ứng kịp với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Dầu khí, tiến tới hoàn thiện quy trình đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ khâu Thượng nguồn đến khâu Hạ nguồn, Bộ môn Lọc - Hóa dầu đã được thành lập năm 1994. Tiếp sau đó, Bộ môn Thiết bị Dầu khí và Công trình đã được thành lập năm 2004, trên cơ sở tách ra từ Bộ môn Khoan - Khai thác.
2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị
Hiện nay, Khoa có 5 bộ môn chuyên ngành: Địa chất dầu khí, Địa vật lý, Khoan - Khai thác, Thiết bị dầu khí và công trình, Lọc - Hoá dầu với tổng số 65 cán bộ viên chức. Trong đó có 07 PGS, 17 TS, 10 GVC, 26 ThS số lượng cán bộ đang làm NCS ở nước ngoài là 18 (Mỹ, Pháp, Ba Lan,…). Bên cạnh đó, Khoa còn có đội ngũ đông đảo các cộng tác viên khoa học và cố vấn là các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực dầu khí, tài nguyên khoáng sản, xây dựng và môi trường…; các cán bộ khoa học ở các Viện, Trung tâm, Tập đoàn, Tổng công ty… thường xuyên tham gia giảng dạy, hướng dẫn khoa học cho các học viên cao học, NCS trong Khoa.
3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được
Khoa Dầu khí là cơ sở đào tạo cán bộ chủ chốt cho ngành Dầu khí và các ngành Mỏ, Địa chất trong nước. Khoa đã và đang có cơ cấu các chuyên ngành đào tạo tương đối hoàn chỉnh và cơ sở vật chất phù hợp, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các Bộ môn trong Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo ở bậc đại học (kỹ sư) và sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) với 6 chuyên ngành: Địa vật lý, Địa chất dầu khí, Khoan thăm dò - khảo sát, Khoan - khai thác Dầu khí, Thiết bị dầu khí và Lọc - Hóa dầu.
Trung bình mỗi năm Khoa tiếp nhận trên 400 sinh viên tại cơ sở Hà Nội và trên 50 sinh viên tại cơ sở Vũng Tàu. Ở bậc sau đại học, trung bình mỗi năm Khoa đào tạo được trên 50 thạc sĩ và nhiều tiến sĩ ở các chuyên ngành khác nhau của Khoa.
Trong năm học 2015 - 2016, Khoa Dầu khí đang quản lý đào tạo 1918 sinh viên hệ đại học: ĐCDK: 232; ĐVL: 273; KKT, KTD: 669; TBDK: 237; LHD: 507. Số lượng học viên cao học hiện đang được Khoa đào tạo tương ứng là 76 (ĐVL: 15; KKT: 28; LHD: 30; TB: 3) và NCS là 20 (ĐCDK: 5; ĐVL: 6; KKT: 9).
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều dự án và hợp đồng khoa học công nghệ đã được Khoa Dầu khí tổ chức và triển khai. Trong đó có: 38 đề tài NCCB và KHCN cấp Nhà nước, 09 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 02 đề tài Nghị định thư với Vương quốc Anh và Trung Quốc, 115 đề tài cấp Bộ, hàng trăm đề tài cấp cơ sở và hợp đồng nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh các hoạt động đào tạo thường kỳ đối với sinh viên, học viên cao học và NCS, khoa Dầu khí còn triển khai hoạt động hợp tác với Hội nhà giáo Total và đã tổ chức thành công được nhiều khóa học ngắn hạn trong giai đoạn 2008 - 2015 để bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ trẻ trong Khoa, cán bộ trẻ của ngành Dầu khí, cựu sinh viên và sinh viên năm cuối. Đó là các khóa học: Các kỹ thuật và hoạt động khoan dầu khí; Phân tích tài liệu Địa vật lý giếng khoan; Quản lý dự án dầu khí; Địa chấn và địa chất dầu khí; Công nghiệp lọc dầu và các sản phẩm dầu khí; Địa thống kê ứng dụng; Khoan biển; Hệ thống đường ống dầu khí ngoài biển; Địa thống kê ứng dụng nâng cao; Địa chất tầng chứa và minh giải tài liệu địa vật lý giếng khoan. Khoa cũng mời các chuyên gia của các Hiệp hội chuyên ngành quốc tế AAPG, SEG, SPE báo cáo seminar hàng năm.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất luôn được Khoa và các bộ môn trong Khoa quan tâm trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Hiện nay, Khoa có 01 Trung tâm xử lý số liệu dầu khí với các phần mềm và trang thiết bị được tài trợ từ các công ty dầu khí trong nước và quốc tế: PetroVietnam, Schlumberger, Roxar, Halliburton… 01 phòng hội thảo trực tuyến hiện đại được tài trợ bởi công ty Krisenergy. Ngoài ra, Khoa còn có các phòng thí nghiệm do các bộ môn chuyên ngành quản lý với các thiết bị chuyên dụng phục vụ cán bộ và sinh viên thực hành nâng cao tay nghề cũng như nghiên cứu khoa học với nhiều trang thiết bị hiện đại.
Bằng những nỗ lực của Khoa và các bộ môn, trong thời gian học tập tại Trường, ngoài việc được sử dụng các trang thiết bị và phần mềm chuyên dụng hiện đại mà các công ty dầu khí trong nước và nước ngoài tài trợ, sinh viên của Khoa còn có nhiều cơ hội để giành được các suất học bổng du học, học bổng tài năng và các suất học bổng sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi do các công ty, tổ chức dầu khí trong nước và nước ngoài tài trợ. Những năm gần đây, sinh viên Dầu khí thường giành được các suất học bổng du học toàn phần ở Liên bang Nga, Cộng hòa Ucraina, Nhật Bản và Malaysia. PetroVietnam, PV Drilling, ConocoPhillips, Hiệp hội SPE, Trung tâm nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò và Khai thác Dầu khí (EPC - VPI). Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu Địa - Kỹ thuật, Viện công nghệ Khoan là những công ty, tổ chức thường xuyên tài trợ học bổng cho sinh viên Dầu khí.
4. Mục tiêu và định hướng phát triển
Định hướng trong chiến lược phát triển nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của các bộ môn của Khoa. Xây dựng hướng chuyên môn và định hướng phát triển khoa học cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ khi đi học nghiên cứu sinh cả trong và ngoài nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thực hiện trao đổi cán bộ trong nghiên cứu khoa học.
Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để khẳng định thương hiệu của Khoa. Phối hợp chặt chẽ giữa Khoa với các Bộ môn và các đối tác trong và ngoài nước. Khai thác tối đa các nguồn kinh phí phục vụ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tao và nghiên cứu khoa học từ các bộ ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; từ các cơ sở sản xuất như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản...; và từ các địa phương trong cả nước. Từng bước hình thành nhóm nghiên cứu mạnh là các cán bộ có kinh nghiệm của các bộ môn tiến đến tham gia đấu thầu các đề tài nghiên cứu không những trong nước mà cả quốc tế.
Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn cho các cơ sở sản xuất, thông qua đó bổ sung kiến thức cho nội dung đào tạo chính qui, tăng nguồn kinh phí và tăng cường hợp tác giữa Khoa và cơ sở sản xuất.
Hợp tác xây dựng, tiến tới triển khai thực hiện mô hình đào tạo kết hợp với các trường đại học ngoài nước. Xây dựng và triển khai đào tạo "Chương trình chất lượng cao".
Về công tác đào tạo: Phát huy hiệu quả sử dụng Trung tâm xử lý số liệu dầu khí trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, cũng như trong liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Tạo sự hợp tác đồng bộ giữa các Bộ môn trong kế hoạch đào tạo (kế hoạch đi thực tập của sinh viên, kế hoạch sử dụng phòng thí nghiệm, bài giảng, giáo trình...), cũng như trong chiến lược phát triển ngành; mở rộng hợp tác đào tạo liên ngành dầu khí - địa chất, dầu khí - mỏ...
Về công tác tổ chức, cán bộ: Khuyến khích cán bộ trẻ phấn đấu trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, cũng như cống hiến cho công tác phong trào của Khoa, có hình thức khen thưởng cụ thể với những cán bộ có thành tích xuất sắc. Chỉ đạo các Bộ môn có kế hoạch cụ thể và thường xuyên dự giờ dạy của cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Tạo điều kiện để cán bộ trẻ đi thực tế tại các cơ sở sản xuất.
Về công tác nghiên cứu khoa học:
- Tìm kiếm các nguồn kinh phí đề tài NCKH phục vụ sản xuất;
- Khuyến khích, tạo điều kiện và cơ chế để cán bộ trẻ mạnh dạn chủ trì và tham gia đề tài các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở.
Về công tác hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học:
- Hợp tác trong nước:
Duy trì và đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp đơn vị sản xuất và doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong Khoa đi thực tập và tăng cường các hợp đồng nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Viện Dầu khí, Tổng Công ty Xăng dầu, Liên doanh Việt Nga (Vietsovpetro), Công ty Địa chất Mỏ, Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm khí (PVGC), Công ty Thương mại DK, Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan DK (PV Drilling), Công ty Dung dịch Khoan và Hoá Phẩm DK (DMC), Công ty Thiết kế và xây dựng DK (PCECC), Công ty Phân đạm và Hoá chất DK, Công ty Tài chính DK (PVFC), Trung tâm Thông tin tư liệu DK (PIC), Công ty Liên doanh Điều hành Hoàn vũ JOC, Trung tâm xử lý số liệu Fairfield Viet nam, Công ty liên doanh điều hành Lam sơn...
- Hợp tác quốc tế:
Duy trì và phát triển hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vị thế của Khoa và các Bộ môn trong nước và trên trường quốc tế. Cụ thể, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với ConocoPhillips, Petronas, Roxar, Schlumberger, Fairfield Viet nam, Baker hughes SPE, TPA, UC Davis, University of Northampton, University of East Anglia, University of Westminster, University of the West of England at Bristol, Elite Study in Taiwan, German Academic Exchange Service, University of Nebraska at Lincoln, National Research - Irkutsk State Technical University, Kazan State Technical University... và tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác thường niên.
5. Khen thưởng
Với các thành tích đã đạt được trong thời gian qua, khoa Dầu khí đã được tặng thưởng 09 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Công tác Đảng:
- Năm 2011: Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu theo Quyết định số 46-QĐ/TV ngày 30/01/2012 của Đảng ủy Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
- Năm 2012: Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu theo Quyết định số 07-QĐ/TV ngày 08/01/2013 của Đảng ủy Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
- Năm 2015: Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu theo Quyết định số 219-QĐ/UV ngày 30/12/2015 của Đảng ủy Trường Đại học Mỏ - Địa chất
Công tác Đoàn Thanh niên:
- Nhiều năm liền đạt danh hiệu Liên Chi đội có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Sinh viên Thủ đô
- Đơn vị đứng thứ 3 trong hoạt động văn thể sinh viên trường các năm 2013, 2015;
- Đơn vị dẫn đầu toàn trường hoạt động văn thể sinh viên năm 2012, 2014, 2016.
Danh hiệu thi đua:
- 2013 – 2014 : Tập thể lao động xuất sắc, Quyết định số 5476/QĐ-BGDĐT ngày 18/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 2014 - 2015: Tập thể lao động xuất sắc, Quyết định số 5462/QĐ-BGDĐT ngày 11/11/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 2014 - 2015: Cờ thi đua, Quyết định số 1787/QĐ-BGDĐT ngày 26/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 2015: Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục từ năm học 2013-2014 và 2014-2015 của Bộ Trưởng Bộ giáo dục, Quyết định số 5555/QĐ-BGDĐT ngày 13/11/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 2016: Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong HĐ KHCN giai đoạn 2010-2015 của Hiệu trưởng, Quyết định số 296/QĐ-MĐC ngày 25/3/2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất